Đức Tangpo Chungwa Lodro Pel (1313-1391)
Thời kỳ: Các vị Thầy thời kỳ đầu (Early Masters) thế kỷ 13-16
Bậc Thầy chính:
-Tổ Dolpopa Sherab Gyaltsen
-Tổ Sazang Mati Panchen
-Tổ Chogle Namgyal
-Tổ Jonang Lotsawa Lodro Pal
-Các bậc Thầy khác: Jikmey Drakpa (‘jigs med grags pa) dòng Sakya
Các tu viện đã từng cư ngụ:
-Tu viện dòng Sakya (sa skya) .
-Tu viện Shalu (zhwa lu)
-Tu viện Sangpu (gsang phu)
-Tu viện Tsurpu (mtshur phu)
-Tu viện Drakram (brag ram)
-Tu viện Tropu (khro phu)
-Tu viện Ralung (ra lung) Monastery
Các giáo lý thọ nhận: Quán đảnh Kalacakra; hướng dẫn yoga sáu nhánh Kim cang thời luân; Nhập bồ đề hành luận; bộ ba Mật điển của Hevajra; giáo lý Doha; giáo lý Bồ Tát Thừa;
Tóm lược: Đức Tangpo Chungwa, một trong mười bốn đệ tử chính của Pháp Vương Dölpopa, đã học ở nhiều nơi ở miền Trung Tây Tạng và Tsang, đặc biệt ngài tu học tại tu viện dòng Sakya. Khi lần đầu tiên ngài nhận quán đảnh Kalachakra và những chỉ dẫn yoga sáu nhánh từ Dölpopa, Đạo sư vĩ đại đã nhận ra ngài chính là một hóa thân từ hành giả yoga Yumowa ở thế kỷ thứ mười một. Đức Tangpo Chungwa cũng nhận được nhiều trao truyền từ nhiều đệ tử lớn khác của Dölpopa. Về sau, Đức Tangpo Chungwa sống ở thung lũng Tölung ở miền Trung Tây Tạng, nơi ngài chủ yếu giảng dạy truyền thống Kalachakra và Vimalaprabha.
Đức Tangpo Chungwa sinh ra ở miền Trung Tây Tạng. Năm sáu tuổi, ngài thọ giới sa di từ vị trụ trì tại Tu viện Thượng Namgyal ở Tölung (stod lung rnam rgyal gong ma) và nghiên cứu giới luật tu viện, Nhập Bồ đề hành luận, và Duy thức luận. Ngài trở nên nổi tiếng là một học giả tại các tu viện Shalu (zhwa lu) và Sangpu (gsang phu), sau đó đi đến tu viện Karma Kagyu vĩ đại ở Tsurpu (mtshur phu) và nhận nhiều giáo lý như Bộ ba Mật điển của Hevajra và giáo lý Doha.
Sau đó Đức Tangpo Chungwa du hành tới vùng Tsang, nơi ngài nghiên cứu nhiều môn học trong các tu viện nổi tiếng như Drakram (brag ram), Tropu (khro phu), và Ralung (ra lung). Đặc biệt, ngài đã nghiên cứu sâu rộng dưới sự hướng dẫn của đạo sư Jikmey Drakpa (‘jigs med grags pa) tại Tu viện dòng Sakya (sa skya). Sau khi đạo sư Sakya của dòng họ Khon tên là Dönyö Gyaltsen (don yod rgyal mtshan, 1310–44, vị trì giữ ngôi tòa dòng Sakya 1342–44), đã đến Jonang để thỉnh cầu giáo lý từ Pháp vương Dölpopa, Đức Tangpo Chungwa cũng đến đó và nhận một sự chào đón nhiệt tình từ Bậc Đạo sư Dolpopa vĩ đại. Khi ngài nhận quán đỉnh Kalachakra và những chỉ dẫn yoga sáu nhánh của Kim cang thời luân từ đức Dölpopa, một kinh nghiệm đặc biệt khởi lên và sự chứng ngộ về tánh Không hỷ lạc đã nảy sinh. Ngài nhận ra dây đai thiền định của đức Dölpopa, mà trước đây vốn thuộc về đại hành giả Yumowa (yu mo ba mi bskyod rdo rje, thế kỷ 11), và Dölpopa tiên tri rằng Đức Tangpo Chungwa là một hóa thân của hành giả Yumowa thời kỳ trước. Đức Tangpo Chungwa thọ nhận đầy đủ giới nguyện Tỳ kheo đầy đủ và tất cả những giáo lý công truyền và giáo lý bí truyền từ Đức Dölpopa, chẳng hạn như Tam tạng Bồ Tát. Ngài cũng nhận nhiều giáo lý từ các đại đệ tử khác (trong 14 vị Đại đệ tử) của Ngài Dölpopa như Đức Kunpang Chödrak Palsang (kun spangs chos grags dpal bzang, 1283?–1363?), Đức Jonang Lotsawa Lodrö Pal (jo nang lo tsA wa blo gros dpal, 1299–1354), Đức Mati Panchen (ma ti paN chen, 1294-1376), và Ngài Chogle Namgyal (phyogs las rnam rgyal, 1306–1386).
Đức Tangpo Chungwa sau đó kế thừa ngôi trụ trì của tu viện Namgyal thượng ở Tölung (stod lung rnam rgyal gong ma), nơi đây Ngài đã ban nhiều giáo lý như Vimalaprabha. Khi ngài viên tịch, ngài vẫn an nghỉ trong ánh sáng trong suốt bốn mươi chín ngày. Nhiều dấu hiệu kỳ diệu đã xảy ra khi Ngài viên tịch và cả trong khi hỏa táng, và những linh ảnh thiêng liêng tuyệt vời hiện ra từ xương trà tỳ của Ngài đã mang lại tín tâm hỷ lạc cho vô số đệ tử chứng kiến và sùng mộ.
Nguồn: JONANG FOUNDATION.
Bản tóm tắt về cuộc đời của Tangpo Chungwa này dựa trên tác phẩm của vị trụ trì Jonang Gyalwa Josang Palsangpo (rgyal ba jo bzang dpal bzang po): Những điều kỳ diệu rực rỡ: Tiểu sử viết tắt của Pháp chủ toàn tri vĩ đại, Người Cha tâm linh và Mười bốn đứa con tâm linh của Ngài. Chos kyi rje kun mkhyen chen po yab sras bco lnga’i rnam thar nye bar bsdus pa ngo mtshar rab gsal, 623–25. Văn bản này được bao gồm trong ấn bản ‘Dzam thang dbu can của gsung’ bum, tập. 1: 559–629
Bản tiểu sử cũng sử dụng tài liệu: “Tiểu sử của các Đạo sư trong Truyền thống Jonangpa về giáo pháp Thời Luân Vinh Quang”. Dpal ldan dus kyi ‘khor lo jo nang pa’i lugs kyi bla ma brgyud pa’i rnam thar, 143–209. Bắc Kinh: Mi rigs dpe skrun khang, 2004.
Tác phẩm sau đây cũng được sử dụng: Ngawang Losang Drakpa (ngag dbang blo gros grags pa). Đèn trăng soi sáng Truyền thống Phật pháp Jonangpa vinh quang. Dpal ldan jo nang pa’i chos ‘byung rgyal ba’i chos tshul gsal byed zla ba’i sgron me, 36–37. Koko Nor: Krung go’i bod kyi shes rig dpe skrun khang, 1992.
Đóng góp của TS. Cyrus Stearns.
Việt dịch Jigme Rangdrung Dawa Norbu Akuppa tại Pháp hội Kalachakra 2024 dòng Jonangpa tại Việt Nam.