(Các) Tên thay thế: Kunkhyen Dolpopa (Kun mkhyen Dol po pa), Dolbuwa (Dol bu ba), Đức Phật từ Dolpo (Dol po’i Sangs rgyas)
Sinh: 1292 Viên tịch: 1361
Giai đoạn: thế kỷ (13-16)
Truyền thống : Jonang-Sakya
Bậc Thầy chính: Đức Jetsun Yontan Gyatso tổ thứ 3 dòng Jonang
Bậc Thầy khác: Ngài Kyiton Jamyang Drakpa Gyaltsen dòng Sakya
Đức Phật Dolpopa dòng Jonang là một trong những bậc Đạo sư Phật giáo có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Đầu tiên Đức Ngài trở thành một học giả quan trọng của truyền thống Sakya, nhưng sau đó chuyển đến tu viện Jonang. Ở đó, Ngài trở thành người nắm giữ ngôi tu viện thứ tư và xây dựng một Đại Bảo tháp đồ sộ. Những ý tưởng của Dolpopa, đặc biệt là giáo lý tính không nổi tiếng của Ngài có tên gọi là quan điểm zhentong và những diễn giải của Đức toàn tri Dolpopa về học thuyết Đại thừa và Kim Cương thừa, đã gây ra tranh cãi trong gần 700 năm.
Đức Dolpopa sinh ra ở vùng Dolpo thuộc Nepal ngày nay. Ngài thọ giới sa di vào năm 1304 và dành những năm sau đó để nghiên cứu các mật điển của truyền thống Nyingma. Năm 1309, ngài du hành tới Mustang để nghiên cứu các luận thuyết về Ba la mật thừa (Đại thừa), Duy thức luận và vi diệu pháp dưới sự hướng dẫn của đạo sư Kyiton Jamyang Drakpa Gyaltsen. Kyiton sớm rời Mustang và đến giảng dạy tại 1 tu viện lớn Sakya ở vùng Tsang của Tây Tạng, và Đức Dolpopa theo bậc Thầy đến đó vào năm 1312.
Đức toàn tri Dolpopa đã nhận nhiều giáo lý từ bậc Thầy Kyiton dòng Sakya, trong đó quan trọng nhất là Mật điển Kalachakra, Kinh điển Tam tạng Bồ tát thừa(Sems ‘grel skor gsum), mười kinh về Phật tính (Snying po’i mdo), năm kinh về ý nghĩa dứt khoát, và Năm Bộ Luận của Đức Di Lặc. Ngài trở thành một Bậc thầy tinh thống giáo lý của hệ thống mật điển Kalachakra mà Ngài đã nhận được từ bậc Thầy Kyiton và làm trợ giảng cho vị Thầy trong nhiều năm. Ngài cũng nhận giáo lý và quán đảnh từ các bậc Đạo sư khác ở Sakya, chẳng hạn như vị trì giữ ngai tòa Sakya của gia tộc Khon, Daknyi Chenpo Zangpo Pal (1262–1323). Từ Kunpang Drakpa Gyaltsen (1263–1347) ngài lại nhận được luận giảng Vimalaprabha về Mật điển Kalachakra. Từ Senge Pal thuộc gia đình Sharpa ở Sakya, Đức Ngài nhận những giáo lý về nhận thức luận, và từ anh trai của vị đạo sư đó, là đức Kunga Sonam (1285-1346), ngài nhận những giáo lý về Con Đường bao gồm Kết Quả (Lamdre hay con đường Đạo và Quả là giáo lý chuyên biệt của dòng Sakya truyền từ Đại thành tựu giả Virupa trong 84 vị Đại thành tựu Ấn độ ) và sự truyền dạy bằng văn bản của nhiều tantra về Hevajra (Hỷ kim cương hoặc giáo lý Hô kim cương).
Vào năm 1314, Đức Dolpopa đã du hành tới nhiều tu viện lớn ở Tsang và miền Trung Tây Tạng và nhận được danh hiệu “bậc toàn tri” Kukhyen Dolpopa vì Đức ngài thông thạo các kinh điển như kinh một trăm ngàn dòng về trí tuệ ba la mật. Ngài cũng thọ giới tu sĩ hoàn toàn từ Bậc Thầy trụ trì Sonam Drakpa (1273–1352) của Tu viện Cholung và phát nguyện không bao giờ ăn thịt bị giết trong suốt quãng đời còn lại của mình. Trong cuộc hành trình này, ngài đã nhận được nhiều giáo lý của truyền thống Kagyu và Nyingma, cùng những chỉ dẫn về Cắt đứt (Chod) và Làm dịu Đau khổ (zhi byed).
Vào năm 1321, khi ngài hai mươi chín tuổi, Đức Dolpopa lên trụ trì tu viện ở Tu viện Sakya. Trong cùng năm đó, ông đến thăm tu viện Jonang lần đầu tiên và có ấn tượng sâu sắc về truyền thống thiền định mãnh liệt được nhấn mạnh ở đó. Sau đó, ngài du hành đến miền Trung Tây Tạng, nơi ngài có những cuộc trò chuyện sâu rộng với Karmapa thứ III là Đức Rangjung Dorje (1284-1339) tại tu viện Karma Kagyu vĩ đại ở Tsurpu. Ngài Karmapa đã tiên đoán một cách đầy ý nghĩa rằng bậc thầy Dolpopa sẽ nhanh chóng trở nên tinh thông hơn nữa trong cái thấy (trí tuệ) và thực hành (năng lực).
Năm 1322 Đức Dolpopa rời Sakya và đến tu viện Jonang, nơi ông nhận từ Đại đạo sư Yonten Gyatso dòng Jonang (1260-1327) sự trao truyền hoàn chỉnh về Mật điển Kalachakra, Tam tạng Bồ Tát, và các thực hành giai đoạn thành tựu Kalachakra của sáu Kim cương Yoga. Sau đó, đức Ngài nhập thất thiền định tại ẩn thất Jonang của Khachö Deden (mkha’ spyod bde ldan). Sau khóa nhập thất này, Đức Yonten Gyatso đã thuyết phục Ngài Dolpopa giảng dạy trong hội chúng ở Jonang, và ngài cũng dạy ông nhiều hệ thống kiến thức bí truyền khác, chẳng hạn như Con đường của Quả, Năm giai đoạn của Guhyasamaja và Chakrasamvara, Sự xoa dịu đau khổ. và Sự đoạn lìa (chod). Sau đó Dolpopa đến thăm dòng Sakya theo lời mời của Đức hộ trì chúng sinh Tishri Kunga Gyaltsen (1310–1358) của gia đình Khon, và dâng tới Ngài Tishri Kunga Gyaltsen lễ quán đỉnh Kalachakra.
Khi trở về Jonang, Đức Dolpopa bắt đầu nhập thất nghiêm ngặt tại Khachö Deden, thiền định về yoga sáu nhánh của Kalachakra trong một năm. Trong thời gian này, ngài đã đạt được chứng ngộ về bốn điểm đầu tiên trong sáu thị kiến (Togal), nhìn thấy vô số linh ảnh của chư Phật Bồ tát và cũng thấy các cõi tịnh độ khi thực hành ẩn cư và thiền định đơn độc, đồng thời Ngài đạt được kinh nghiệm và chứng ngộ đặc biệt nhờ vào sự rực cháy của hơi ấm hỷ lạc khi thực hành kiểm soát và giữ hơi thở (tumo). Trong khóa tu này, sự chứng ngộ về quan điểm zhentong (gzhan stong) lần đầu tiên xuất hiện trong tâm Đức Dolpopa, nhưng Ngài sẽ không giảng dạy nó cho người khác cho đến khi ít nhất năm năm nữa trôi qua.
Năm 1325 Bậc Tổ sư Yonten Gyatso thúc giục Ngài Dolpopa trở thành người kế thừa dòng truyền thừa giáo pháp của Ngài và chấp nhận trụ trì tu viện Jonang. Điều này ban đầu hoàn toàn trái ngược với mong muốn thực hành thiền định trong các ẩn thất biệt lập của Đức Dolpopa, nhưng cuối cùng ngài cũng đã đồng ý và lên ngôi Trụ trì tu viện kế thừa dòng Jonang vào năm 1326. Khi Đức Pháp vương Yonten Gyatso viên tịch vào năm sau, Đức toàn tri Dolpopa quyết định xây dựng một bảo tháp vĩ đại để tôn vinh lòng tốt của Đức Đạo sư Jonangpa. Vào năm 1330, nhiều nghệ nhân và người lao động lành nghề đã tập trung từ các vùng khác nhau của Tây Tạng. Vật liệu xây dựng và vật tư được mang đến từ mọi hướng và hàng trăm công nhân lao động vừa tụng kinh manis và cầu nguyện các bậc thầy của dòng truyền thừa. Bản thân Đức Dolpopa đôi khi mang đất đá và đôi khi làm công việc xây dựng những bức tường.
Trong thời gian lao động chân tay căng thẳng trên bảo tháp, Bậc Thầy Dolpopa đã ban nhiều giáo lý về ý nghĩa tối hậu của giáo lý Đức Phật. Khi các cây cột dài ở trung tâm được đặt trong bảo tháp, Ngài đã giảng dạy giáo lý Tam tạng Bồ tát cho đại chúng, lần đầu tiên giải thích sự khác biệt giữa cái tương đối là trống rỗng bản chất nội tại (rangtong, rang stong) và cái tuyệt đối là trống rỗng chỉ có bản chất khác. hiện tượng tương đối (zhentong, gzhan stong). Ngài tiết lộ mối liên hệ giữa sự chứng ngộ của Ngài về quan điểm zhentong, những lời dạy của Mật điển Thời Luân, và bảo tháp Jonang trong một loạt bài kệ như dưới đây:
Than ôi, dù tôi có thể chưa được may mắn,
Nhưng tôi nghĩ khám phá (về tính không) này là một sự may mắn toàn hảo.
Việc phát hiện ra điều này từ một kẻ ngốc lười biếng như tôi phải chăng là do ân sủng từ Đức Pháp vương Kalki (vua xứ sở Shambhala)?
Về mặt thân thể, tôi chưa từng tới cung điện Kalapa (cung điện Shambhala),
nhưng về mặt tâm thức chẳng phải Đức vua Kalki đã hòa nhập vào tâm chí thành của tôi?
Trí tuệ của tôi chưa đạt tới sự tinh luyện trong ba thị kiến,
nhưng tôi tin rằng việc nâng cao núi Tu Di đã khiến đại dương (ân phước) phun trào.
Tôi cúi đầu kính lễ các Đạo sư, chư Phật và các vị Pháp vương Kalki (vua Shambhala),
nhờ lòng từ bi của chư vị mà những điểm thiết yếu này (zentong),
đến ngay cả những bậc tôn quý cũng khó nhận ra, đã được chứng ngộ một cách chính xác,
và tới được bảo tháp vĩ đại của các ngài.
Việc nâng cao Núi Meru đề cập đến việc Đức Dolpopa xây dựng bảo tháp đồ sộ, và “một đại dương” chảy ra từ ân phước và năng lượng thức tỉnh chính là tác phẩm nổi tiếng của ông, Đại dương Ý nghĩa Tối hậu. Bảo tháp cuối cùng đã được hoàn thiện vào ngày 30 tháng 10 năm 1333. Trong những năm tiếp theo, Dolpopa chủ yếu ở trong các khóa tu thiền định và có nhiều linh kiến. Đặc biệt, ông đã trực tiếp chứng kiến cõi tịnh độ Shambhala, nguồn gốc của giáo lý Kalachakra, và từng tuyên bố rằng ông đã thực sự đến đó bằng phương tiện linh kiến. Bắt đầu từ năm 1334, Dolpopa giám sát việc dịch lại Mật điển Kalachakra bởi các đệ tử của ông là Lotsawa Lodro Pal và Sazang Mati Panchen.
Năm 1336 Đức toàn tri Dolpopa được mời giảng dạy cho hàng ngàn người tại tu viện Sakya. Thông qua kinh điển và mật điển làm chứng tích, Ngài đã phân biệt giữa chân lý tương đối và tuyệt đối bằng các phạm trù trống rỗng của bản chất nội tại (rangtong) và trống rỗng của các hiện tượng tương đối khác (zhentong). Năm 1338, ngài truyền ngôi tu viện ở tu viện Jonang cho đệ tử của mình là Lotsawa Lodro Pal. Các sứ thần của đế quốc Mông Cổ đến vào năm 1344 với sắc lệnh do Hoàng đế nhà Nguyên Toghon Temur ban hành mời Ngài Dolpopa đến Trung Quốc, nhưng ông đã rút lui về các ẩn thất biệt lập trong bốn năm tiếp theo để tránh các yêu cầu thế tục như vậy.
Thân thể Đức Dolpopa trở nên cực kỳ khó nhọc trong những năm cuối đời và việc đi lại của Ngài trở nên rất khó khăn. Nhưng vào năm 1358, khi đã sáu mươi bảy tuổi, Ngài vẫn quyết định thực hiện một chuyến hành hương đến miền Trung Tây Tạng và đi thuyền xuôi dòng sông Tsangpo, dừng lại ở nhiều nơi khác nhau dọc theo bờ sông để giảng pháp. Ngài ở lại một năm tại các tu viện Nesar và Cholung, nơi Ngài ban nhiều giáo lý. Đạo sư Sakya vĩ đại của dòng họ Khon, Lama Dampa Sönam Gyaltsen (1312–1375), đến gặp Dolpopa tại Cholung, thọ nhận giáo lý và yêu cầu ngài soạn một trong những tác phẩm chính của mình, Đại hội kết tập thứ 4 (Bka’ bsdu bzhi pa) .
Vào năm 1359, Dolpopa cưỡi kiệu chậm rãi đi qua Tsang và vào miền Trung Tây Tạng, được chào đón bởi nhiều đám đông người xếp hàng trên đường và hộ tống Ngài vào các tu viện khác nhau. Cuối cùng, khi đến Lhasa, ngài ở lại khoảng sáu tháng và ban những chỉ dẫn về sáu kim cương du già của giáo lý Kalachakra nhiều lần. Những người đến thỉnh pháp đông đến mức không thể lọt vào trong các tòa nhà, cửa bị vỡ và cầu thang đã bị sập.
Vào đầu năm 1360, một nhóm người đến mời Dolpopa trở lại Jonang. Người dân Lhasa đau buồn khi nghĩ đến sự ra đi của ông, và trong một thời gian, kiệu của ông bị tắc đường không thể khiêng qua đám đông người và ngựa. Nhiều nhà sư phải chắp tay thành vòng tròn xung quanh và những người muốn được ban phước lành cũng nắm tay nhau và chen chúc dưới kiệu của ngài. Chư Tăng tụng những lời cầu nguyện như Bình Luận Tổng Quát Về Giáo Lý (bstan pa spyi ’grel) của Dolpopa trong khi đám đông còn lại than khóc. Hầu hết đám đông đều sùng tín quá mức và nhiều người thậm chí không thể đi lại được. Khi Dolpopa được dìu xuống thuyền để qua sông, nhiều người đã quá cuồng nhiệt và muốn nhảy xuống nước để bơi theo ngài và phải được những người khác nhảy xuống cứu lên bờ.
Khi Đức toàn tri Dolpopa du hành trở lại vùng Tsang, ngài dừng lại giảng dạy ở nhiều tu viện khác nhau như Ralung và Nenying. Người cai trị Pakpa Palsang (1318–70) và em trai của ông là Pakpa Rinchen (1320–76) đã có lúc mong muốn thỉnh cầu giáo lý pháp từ Đức Phật Dolpopa, nhưng vì sức khỏe của ông nên ông quá khó khăn để leo lên những bậc thang dài dẫn đến nơi ở của họ trên lâu đài. Vì vậy, Ngài đã ở lại vùng đồng bằng bên dưới, tại đó Ngài trải một mandala lụa khổng lồ về Thời Luân và ban quán đảnh Thời Luân vĩ đại.
Khi đoàn rước khoảng một trăm người tiến tới Jonang, Đức Dolpopa giảng dạy ở tất cả các tu viện lớn nhỏ trên hành trình của Ngài. Đó là một cảnh tượng đầy xúc động, với đám đông nhiều người tín tâm hộ tống Ngài vượt qua các thung lũng, liên tục trì tụng thần chú sáu âm của Quán Thế Âm, cầu nguyện và khóc vì lòng sùng kính tới Ngài. Năm 1360, Đức Phật Dolpopa đã trở lại ẩn thất lớn Jonang và ở lại thiền định tại nơi ở Dewachen của ngài.
Một ngày nọ vào cuối năm 1361 Đức Dolpopa nói rằng ông muốn đi đến bảo tháp, nhưng những thị giả của Đức Ngài nói rằng con đường không an toàn vì tuyết đã rơi và đã giúp ông về nơi ở. Mọi người cùng uống Trà pha sẵn và các đệ tử lớn tuổi được mời đến để trò chuyện riêng với Ngài. Bậc Thầy rất hài lòng và nói chuyện vui vẻ với những đệ tử tới thăm và có rất nhiều tiếng cười trong hạnh phúc. Sau đó Ngài đi nghỉ.
Vào sáng sớm, thị giả tới phục vụ ngài, nhưng Dolpopa không trả lời một số câu hỏi và ngồi với đôi mắt nhìn chằm chằm, dường như đang thiền định sâu sắc. Nghĩ rằng Ngài có thể bị ảnh hưởng bởi cái lạnh quá mức bởi thời tiết, các đệ tử của Đức Ngài đã đưa Ngài ra ngoài nắng và xoa bóp cho ông. Sau khoảng giữa trưa, Ngài nhắm mắt lại và không có dấu hiệu bệnh tật nào, Ngài rơi vào thiền định sâu. Sau đó Đạo Sư được đưa trở lại nơi ở của mình. Sau vài phút, ngài tự điều chỉnh cơ thể mình vào tư thế thiền định của Bổn tôn Kim cương tát đỏa – Vajrasattva và viên tịch trong đại hỷ lạc.
Nhục thân của Đức Phật Dolpopa được đặt trong một quan tài bằng gỗ xức nước hoa, trang trí bằng lụa và đồ trang sức quý giá, rồi đưa vào lò hỏa táng. Nhục thân của Ngài cực kỳ linh hoạt, giống như một miếng bông gòn. Khi lễ hỏa táng bắt đầu, khói chỉ bốc lên vài thước rồi lan đến bảo tháp, quay vòng nhiều vòng và cuối cùng biến mất về phía tây. Các hành giả nam và nữ cúng dường đèn bơ trên nóc các túp lều thiền định riêng của họ, khiến cho toàn bộ thung lũng lấp lánh ánh nến tràn ngập ánh sáng trong đêm. Cho đến khi làn khói tan đi, mỗi người trong số họ đều cầu nguyện với những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt đầy xúc động và tín tâm.
Khi lò hỏa táng sau đó được mở ra, một số xá lợi xương của Đức toàn tri Dolpopa đã được phân phát cho các đệ tử tín tâm đã thọ nhận từ ngài sự trao truyền giáo lý tịnh quang Vimalaprabha. Trong đống tro tàn trà tỳ xuất hiện rất nhiều xá lợi trong suốt như pha lê. Sau đó, nhiều tượng vàng phủ vàng lá được làm từ những di vật còn sót lại. Tro từ lễ hỏa táng được thu thập và đặt cùng với các xá lợi khác thành một bức tượng của Dolpopa được đặt trong bảo tháp vĩ đại mà ngài đã xây dựng.
Xem thêm: lịch sử Bậc Tổ sư thứ 5 dòng Jonangpa: Ngài Lotsawa Lodro Pal.
Nguồn tài liệu: từ trang Jonang Foundation
Bản phác thảo ngắn gọn này về cuộc đời của Dolpopa đã được tóm tắt bởi Cyrus Stearns. Đức Phật từ Dolpo: Nghiên cứu về cuộc đời và tư tưởng của Đạo sư Tây Tạng Dolpopa Sherab Gyaltsen, 11–39. Albany: State University of New York, 1999.
Một số nguồn tri thức gốc của Tây Tạng đã được sử dụng, trong đó quan trọng nhất là: (1) G+ha rung ba lha’i rgyal mtshan. Tiểu sử của Pháp chủ Jonangpa toàn tri vĩ đại. Trong tiếng Tây Tạng, Chos rje jo nang pa kun mkhyen chen po’i rnam thar. Bắc Kinh: Cung văn hóa các dân tộc. Văn bản dbu med chưa được xuất bản. (2) Kun spangs chos grags dpal bzang. Chuỗi Mân Côi Tuyệt Vời: Một Chuỗi Ngọn Đèn Sáng Chiếu Sáng Tiểu Sử của Đức Pháp Vương Toàn Tri Vĩ Đại.
Trong tiếng Tây Tạng, Chos rje kun mkhyen chen po’i rnam thar gsal sgron gyi rnam grangs dge chân chen po nor bu’i ‘phreng ba. Trong Tuyển tập Tác phẩm của Kun mkhyen Dol po pa Shes rab rgyal mtshan, 1. Delhi: Shedrup Books, 1992.
Đóng góp của Cyrus Stearns. Được biên tập bởi Michael Sheehy. Việt dịch bởi Jigme Akuppa đóng góp tới Pháp Hội Kalachakra 2024 tổ chức tại Việt Nam.
Mọi công đức hồi hướng tới Pháp giới chúng sinh, nguyện cầu tất cả thấy được Khuôn mặt Vinh quang Huy hoàng của Thánh Bổn tôn Kalachakra và có duyên lành với giáo lý Kim cang thời luân.
Mọi sai sót là của người dịch, thành tâm xin sám hối dưới sự bao dung của chư Tổ và dòng truyền thừa, Đại dương chư Tôn bắt nguồn từ bản tâm Đức Kim cương tát đỏa.