Vị Tổ thứ 5 của Jonangpa: Ngài Lotsawa Lodro Pal (1299-1354)
Bậc Đạo sư chính: Ngài Dolpopa Sherab Gyaltsen (tổ thứ 4)
Các bậc thầy khác đã theo học:
-Đức Wang Dzongpa (dbang rdzong pa)
-Ngài Tsultrim Sang (tshul khrims bzang)
-Ngài Tönpa Namkha Yeshe (ston pa nam mkha’ ye shes)
-Ngài Pang Lotsawa Lodrö Tenpa (dpang lo tsA ba blo gros brtan pa)
Những trao truyền Ngài được nhận: Những Thi Kệ Cô đọng về Trí tuệ Ba la mật (sdud pa), Mật điển Hevajra, giáo lý Yamari (gshed skor), Mật điển Vajrapanjara, Mật điển Samputa (thuộc giáo lý Hevajra), Nhập Bồ đề hành luận, Giới Luật Tu viện,
Tác phẩm sáng tác: Kalachakra Tantra (bản dịch mới), Tịnh quang hay Vimalaprabha (Clear light)
Lodro Pal là một trong mười bốn đệ tử chính của Dölpopa. Ông là một học giả tiếng Phạn vĩ đại, người đã hoàn thành bản dịch mới của Mật điển Kalachakra và Vimalaprabha. Dölpopa đích thân chọn Lodrö Pal làm người kế vị và là người nắm giữ trụ trì tu viện thứ 5 của tu viện Jonang. Lodrö Pal cũng có những bổ sung mới quan trọng cho nghệ thuật và kiến trúc của bảo tháp Jonang.
Dịch giả vĩ đại Lodrö Pal sinh ra ở vùng viễn đông của Domey (mdo smad). Lúc bảy tuổi, ngài bắt đầu học tập với đạo sư Wang Dzongpa (dbang rdzong pa). Khi ngài nhanh chóng học đọc, ghi nhớ Những Bài Kệ Cô đọng về Trí tuệ Ba la mật (sdud pa), và đạt được sự hiểu biết rõ ràng về Mật điển Hevajra và giáo lý Yamari (gshed skor), mọi người tuyên bố rằng ngài là một bậc hóa thân. Từ năm 8 tuổi, Ngài đã thông thạo Mật điển Vajrapanjara và Mật điển Samputa, đó là hai mật điển giải thích về hệ thống giáo lý Hevajra , nhập Bồ đề hành luận và giới luật tu viện. Lúc chín tuổi, ngài đến tu viện Tanak (rta nag) và thọ giới sa di. Tiếp theo, ngài đến Sangpu (gsang phu), nơi ngài ở cho đến mười lăm tuổi, nghiên cứu văn học về ba la mật thừa (Bồ tát đạo), nhận thức luận và vi diệu pháp dưới sự hướng dẫn của tu viện trưởng Tsultrim Sang (tshul khrims bzang).
Sau đó, Lodrö Pal du hành đến tu viện lớn Sakya (sa skya), nơi ông tu học với Tönpa Namkha Yeshe (ston pa nam mkha’ ye shes), thông thạo giới luật tu viện và các tác phẩm văn học về kinh, mật điển và trí tuệ ba la mật. . Ngài cũng du hành đến nhiều tu viện ở miền Trung Tây Tạng và Tsang để tiếp tục nghiên cứu, gây ấn tượng với mọi người ở những khu vực đó bằng kiến thức sâu rộng của mình ngay từ khi còn nhỏ. Khi hai mươi lăm tuổi, Lodrö Pal du hành tới Drakram (brag ram), nơi ông thông thạo ngữ pháp và ngôn ngữ tiếng Phạn dưới sự hướng dẫn của dịch giả vĩ đại Pang Lotsawa Lodrö Tenpa (dpang lo tsA ba blo gros brtan pa, 1276–1342 ). Sau một thời gian, Pang Lotsawa nhận xét rằng vì Lodrö Pal bây giờ đã rất uyên bác, ông nên học những giáo lý sâu xa bên trong của Pháp, và vì mục đích đó không có đạo sư nào (ngay cả ở Ấn Độ) có phẩm chất hơn Dölpopa toàn tri ở tu viện Jonang để ông nên học hỏi.
Lodrö Pal du hành đến Jonang, mang theo những lễ vật như vỏ ốc xà cừ màu trắng, và đến nơi trong khi Dölpopa đang giảng dạy Giáo lý Tịnh quang (Vimalaprabha) cho khoảng 100 đạo sư lão luyện. Khi thực sự gặp Dölpopa và trao đổi giáo lý với Bậc Thầy ngài cảm thấy mình chỉ như là một bông hoa Mandarava trước sự hiện diện của Núi Tudi. Từ thời điểm đó trở đi, ngài ở lại với Dölpopa, cuối cùng nhận được từ ngài sự trao truyền tất cả các quán đảnh, kinh điển và luận giải mật tông, cũng như tất cả giáo lý về văn học của thừa ba la mật, Duy thức luận, vi diệu pháp và giới luật tu sĩ đã được dịch sang tiếng Tây Tạng. Vào năm hai mươi bảy tuổi, ngài nhận giới luật Tỳ kheo từ Dölpopa để trở thành một tu sĩ xuất gia trọn vẹn. Nhân dịp đó, Dölpopa ban tặng những món quà đặc biệt và nhấn mạnh rằng Lodrö Pal nên bắt đầu giảng dạy trong các pháp hội ở Jonang. Sau đó ông đã giảng dạy nhiều chủ đề khác nhau cho khoảng 1.000 hành giả về giáo lý thừa ba la mật, nhận thức luận, A tỳ đàm luận, giới luật tăng sĩ, luận giải về Tịnh quang (Vimalaprabha) trong Mật điển Kalachakra, và những hướng dẫn sâu sắc về yoga sáu nhánh của Kim cang Thời Luân. Vào khoảng năm 1334, Lodrö Pal và đệ tử của Dölpopa là Mati Panchen (ma ti paN chen blo gros rgyal mtshan, 1294-1376) đã sửa lại bản dịch tiếng Tây Tạng của Kalachakra Tantra và Vimalaprabha, sau này được gọi là “bản dịch Jonang mới” .Năm 1339, khi Lodrö Pal bốn mươi mốt tuổi, Dölpopa cúng dường ông một số vật linh thiêng và đưa ông lên trụ trì tu viện ở Jonang. Trong vai trò là người thừa kế được chỉ định của Dölpopa, Lodrö Pal giảng dạy Pháp tại tu viện Jonang trong mười lăm năm tiếp theo.
Lodrö Pal cũng đặt làm tượng điêu khắc của mười sáu vị La Hán ở Chùa Naga của bảo tháp Jonang. Trong mái vòm chính của bảo tháp, Ngài đã xây dựng ba mươi hai cây cột dài tượng trưng cho tinh túy của ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật và để tượng trưng cho tinh túy của tám mươi đặc tính phụ của một vị Phật Ngài đã xây dựng tám mươi cây cột ngắn để hỗ trợ xà trần trên bục của Đại bảo tháp Jonang. Dölpopa rất vui mừng vì điều này và tự mình thực hiện lễ thánh hiến gia trì.
Khi Lodrö Pal viên tịch, hàng ngàn người đã tụ tập để dự lễ hỏa táng ông, kèm theo nhiều phép lạ, chẳng hạn như cầu vồng rực rỡ, mưa hoa, âm nhạc thiên đường và động đất. Nhiều xá lợi kỳ diệu khác nhau xuất hiện trong xương của Ngài sau khi hỏa táng.
Xem thêm: Lịch sử Tổ thứ 4 dòng Jonangpa: Đức Dolpopa Sherab Gyaltsen
Bản tóm tắt về cuộc đời của Jonang Lotsawa Lodrö Pal này dựa trên Tác phẩm Bộ về Bậc Pháp chủ vĩ đại toàn tri, Người Cha tâm linh và Mười bốn đứa con tâm linh của Ngài. Chos kyi rje kun mkhen chen po yab sras bco lnga’i rnam thar nye bar bsdus pa ngo mtshar rab gsal, 573–77. Văn bản này được bao gồm trong ‘Ấn bản Dzam Thang Dbu Can’ của Gsung ‘Bum, Vol. 1: 559–629. Cuốn sách Jangsem Gyalwa Yeshe (Byang sems rgyal ba ye shes), Cuốn sách của Jangsem Gyalwa Yeshe (Byang sems rgyal ba ye shes), Dpal ldan dus kyi ‘khor lo jo nang pa’i lugs kyi bla ma brgyud pa’i rnam thar, 143–209. Bắc Kinh: Mi rigs dpe skrun khang, 2004. Tác phẩm sau đây cũng được tham khảo: Ánh trăng soi sáng Truyền thống Phật pháp Jonangpa vinh quang. Dpal Ldan Jo Nang Pa’i Chos ‘Byung Rgyal Ba’i Chos Tshul Gsal Byed Zla Ba’i Sgron Me, 33. Koko Nor: Krung Go’i Bod Kyi Shes Rig Dpe Skrun Khang.
Đóng góp của TS. Cyrus Stearns.
Việt dịch: Jigme Akuppa, hiệu đính bởi ban biên soạn Jonangpa Việt nam đóng góp tới Pháp Hội Kalachakra 2024 tổ chức tại Việt Nam.
Mọi công đức hồi hướng tới Pháp giới chúng sinh, nguyện cầu tất cả thấy được Khuôn mặt Vinh quang Huy hoàng của Thánh Bổn tôn Kalachakra và có duyên lành với giáo lý Kim cang thời luân.
Mọi sai sót là của người dịch, thành tâm xin sám hối dưới sự bao dung của chư Tổ và dòng truyền thừa, Đại dương chư Tôn bắt nguồn từ bản tâm Đức Kim cương tát đỏa.